Diễn biến quốc tế có liên quan đến Chiến dịch Mùa xuân 1975 Chiến_dịch_Mùa_Xuân_1975

Liên Xô và Trung Quốc

Cũng vẫn như năm 1972, Liên bang Xô Viết hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến đấu của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam về nguyên tắc. Những thiệt hại vật chất của phía VNDCCH được bù đắp dần dần bằng những khoản viện trợ lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ viện trợ kinh tế và viện trợ quân sự đã khác trước. Theo ước tính của CIA, trong 2 năm 1973 - 1974, VNDCCH nhận được từ Liên Xô và Trung Quốc khoản viện trợ trị giá 2.525 triệu USD trong đó có 730 triệu USD là viện trợ quân sự. Tổng số viện trợ tuy cao hơn 2 năm 1971 - 1972 (2.525 triệu USD/2.220 USD) nhưng phần viện trợ quân sự chỉ bằng 68,3% so với 2 năm trước đó, (730 triệu USD/1.065 triệu USD)[32]. Còn theo thống kê của VNDCCH thì giá trị viện trợ quân sự mà họ nhận được thấp hơn nhiều so với con số mà CIA đưa ra. Cụ thể, trong 2 năm 1973-1974, họ nhận được 114.532 tấn viện trợ quân sự từ các nước XHCN (chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc) trị giá 339.355.353 rúp (~330 triệu USD), bằng 19% so với 2 năm 1971-1972.[33]

Để tăng cường năng lực hậu cần của mình, VNDCCH đã tự tổ chức sản xuất vũ khí và phương tiện. Điều này họ đã làm từ năm 1957 để giảm bớt phụ thuộc vào viện trợ. Trong 3 năm 1973 đến 1975, VNDCCH đã tự sản xuất được 3.409 tấn vũ khí đạn dược, 1.863 tấn phụ tùng xe, máy và 26.074 tấn quân trang, quân dụng khác.[34] Vừa dựa vào viện trợ, vừa dựa vào sức mình, đến giữa năm 1974, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã xây dựng lại nền kinh tế của mình với tổng lượng bằng mức năm 1965.[35]

Về ngoại giao, các đồng minh Liên Xô và Trung Quốc không còn nhiều ràng buộc với Hoa Kỳ như hồi năm 1972 và họ vẫn ủng hộ VNDCCH với những cách thức và mục tiêu khác nhau. Trong khi Liên Xô công khai khuyến khích VNDCCH giải phóng miền Nam bằng chuyến đi thăm hữu nghị đến Hà Nội của Thứ trưởng Bộ quốc phòng, đại tướng Victor Kulikov ngày 22 tháng 12 năm 1974 thì Trung Quốc không hẳn muốn VNDCCH sớm giành thắng lợi mặc dù họ biết đó là xu thế khó có thể đảo ngược. Tháng 1 năm 1974, họ đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hoà. Theo đánh giá của Henry Kissinger, người Trung Hoa không muốn có một nước Việt Nam thống nhất mạnh ở biên giới phía nam của họ và cả Trung Quốc lẫn Liên Xô đều không muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lam thời miền Nam Việt Nam gây lại chiến sự ác liệt ở miền Nam Việt Nam.[36]

Hoa Kỳ

Về quân sự, Hoa Kỳ tiếp tục có những động thái làm cho Việt Nam Cộng hoà tin rằng họ sẽ được hỗ trợ về hải quân. Ngày 4 tháng 1 năm 1974, Hạm đội 7 hải quân Hoa Kỳ đã điều động một lực lượng tàu tuần dương và tàu khu trục đến vùng giữa biển Đông. Tuy nhiên Mỹ đã từ chối cho Hải quân của mình yểm trợ Hải quân Việt Nam Cộng hòa khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa trong các ngày từ 17 đến 19 tháng 1 năm 1974. Về ngoại giao, trong dịp thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà đã ra thông cáo chung San Clemente ngày 4 tháng 4 năm 1973, trong đó, Hoa Kỳ cam kết ủng hộ Việt Nam Cộng hoà và chỉ công nhận Chính phủ Việt Nam Cộng hoà là chính phủ hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam[35].

Ngày 9 tháng 8 năm 1974, Tổng thống Richard Nixon buộc phải từ chức sau vụ bê bối Watergate. Phó tổng thống Gerald Ford kế nhiệm chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ vẫn cam kết ủng hộ đồng minh Việt Nam Cộng hoà nhưng với những giới hạn cho phép vì nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong giai đoạn khó khăn sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 và phải tập trung viện trợ quân sự cho Israel khoảng 1,5 tỷ USD để giữ đồng minh chiến lược này ở Trung Đông. Trong lá thư ngày 10 tháng 8 năm 1972 của Tổng thống Hoa Kỳ do phó đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn W.J.Lehman trao tận tay Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, ông Gerald Ford nhắc nhở Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sử dụng viện trợ của Hoa Kỳ và các đồng minh một cách hữu hiệu hơn để có thể đưa lại một nền kinh tế tự túc trong vài năm tới[5]. Nếu như trong tài khoá 1972-1973, Việt Nam Cộng hoà còn nhận được 1.614 triệu USD thì đến tài khoá 1973-1974, Sài Gòn chỉ còn nhận được 1.026 triệu USD và đến tài khoá 1974-1975 thì chỉ còn 780 triệu USD. Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, đó là số viện trợ của Hoa Kỳ cho cả Việt Nam Cộng hoà, Cam pu chia và Lào và đó cũng chỉ là con số trên giấy tờ. Trên thực tế, sau khi trừ đi các khoản của Cam pu chia và Lào, số viện trợ Hoa Kỳ vào miền Nam chỉ còn lại 313 triệu USD. Số đô la mua được từ nguồn dịch vụ cho trụ sở các cơ quan Hoa Kỳ và các đồng minh cũng sụt giảm từ 300-400 triệu/năm xuống còn 97 triệu (năm 1974)[5]

Ở thời điểm 1974-1975, đối với Hoa Kỳ, việc giải quyết khủng hoảng dầu lửa và vấn đề Trung Đông cùng với việc tái tạo trang bị cho đồng minh Israel sau khi họ thua trận trước đối thủ Ai Cập trên bán đảo Sinai tháng 10 năm 1973 là vấn đề quan trọng hơn so với việc viện trợ cho đồng minh Việt Nam Cộng hoà. Mặt khác, do những ràng buộc của Hiệp định Paris và không được sự ủng hộ cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ nên khả năng can thiệp bằng quân sự ở Việt Nam của Chính phủ Hoa Kỳ là rất thấp.

Các nước khác và các tổ chức quốc tế

Sau khi Quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi cuộc chiến, Quân lực Việt Nam Cộng hòa không chỉ mất đi hỏa lực yểm hộ từ trên không, dưới mặt đất và ngoài biển mà còn thiếu hụt một khoản ngân sách lớn do viện trợ bị cắt giảm. Cuộc khủng hoảng dầu lửa thế giới năm 1973 đã chất thêm gánh nặng về chi phí nhiên liệu cho các hoạt động quân sự, dù chỉ là giới hạn trong tập luyện, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện quân sự theo quy định của Hiệp định Paris và các văn kiện kèm theo. Cơ số đạn dược các loại được cấp giảm từ 50% đến 65%; một nửa số chiến xa không thể ra khỏi căn cứ và khoảng 200 máy bay không thể cất cánh vì không đủ xăng dầu[5]. Giá cả tiêu dùng tăng từ 2 đến 4 lần đối với lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và một số hàng tiêu dung thiết yếu đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của dân chúng.[37]

Để bù đắp thiếu hụt ngân sách và cân bằng cán cân thanh toán; ngoài việc yêu cầu một số nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ khuyến cáo Quốc hội nương tay, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phái tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng và một số quan chức khác tìm kiếm các nguồn kinh phí để ổn định tình hình kinh tế xã hội, chi phí cho bộ máy chính quyền và duy trì lực lượng quân sự. Tuy nhiên, việc tìm vay từ các nguồn vốn khác ngoài Hoa Kỳ cũng khó khăn như việc thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ không cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng hoà. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã ví việc này với "Cái nhục của kẻ đi cầu xin".[5]

Sau chuyến đi không thành công của đại tướng Cao Văn Viên và tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng sang Hoa Kỳ tháng 5 năm 1974 với kết quả là sự cắt giảm 50% viện trợ Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng hoà và Tu chính án Kennedy cũng cấm sử dụng ngân sách riêng của Bộ Quốc phòng đề chi tiêu nhân danh các nước Đông Nam Á; Chính quyền Việt Nam Cộng hoà phải tìm đến các nguồn tài chính ngoài Hoa Kỳ. Trớ trêu thay, những nguồn này hoặc không đủ thời gian để triển khai hoặc người lãnh đạo nó tỏ thái độ không hợp tác hoặc các nước cho vay có những điều kiện không nhằm chi tiêu cho quân sự (kể cả trực tiếp và gián tiếp). Tại Ngân hàng thế giới (WB) ông Nguyễn Tiến Hưng đã vấp phải thái độ thờ ơ và lãnh đạm của ngài chủ tịch Robert MacNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ dưới thời Linden B. Johnson.

Đối với Cộng hoà Pháp thì trở ngại chính là ODA của chính phủ với lãi suất thấp và dài hạn lại phải gắn với việc cho vay của ngân hàng tư nhân với lãi suất cao và ngắn hạn theo luật của Pháp. Phía Pháp cũng yêu cầu phải sử dụng khoản vay ưu đãi này vào các công trình phúc lợi xã hội chứ không thể chi phí cho việc khác nhưng phía Việt Nam Cộng hoà không chịu nên khoản viện trợ 130 triệu fr Pháp bị đình lại. Nhật bản cũng có thái độ tương tự. Các nguồn viện trợ khác khá nhỏ và có khuynh hướng thiên về viện trợ nhân đạo. Chỉ có Quốc vương Arab Saudi là có một thoả thuận đáng kể và bí mật về đầu tư dài hạn mấy trăm triệu USD vào thăm dò và khai thác dầu mỏ với lãi xuất nhẹ (có thể vay bằng chính dầu mỏ, cái mà VNCH đang thiếu), khi nào có sản phẩm mới phải trả nợ. Nhưng sự việc đang tiến triển thì ông này bị ám sát và hy vọng cuối cùng của phía Việt Nam Cộng hòa có được một ngân khoản vài trăm triệu USD để bổ sung và duy trì trang bị cho quân đội cũng tan vỡ.[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Mùa_Xuân_1975 http://www.mekongrepublic.com/vietnam/findunit.asp http://vietnam.ictglobal.net/webhtml-01/KichChienG... http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2005/04/3B9DDC... http://openvault.wgbh.org/catalog/vietnam-f729b0-i... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/cluster/... http://baotintuc.vn/dau-an-su-kien/chien-thang-vi-... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.baophuyen.com.vn/76/130239/chien-dich-h... http://www.htv.com.vn/chuyende/news_detail.asp?per...